Bật mí gia sản của Tổng Đốc Phương - Tỷ phú giàu thứ 2 Sài Gòn một thời

   

Tổng đốc Phương tên thật Đỗ Hữu Phương, từng được xem là tỷ phú giàu thứ hai tại Sài Gòn trong tứ đại phú “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Trạch”.

Ở quận 3, phía sau BV Mắt Saint Paul có một ngôi từ đường cổ hơn 100 tuổi. Người ta gọi là Đỗ Hữu Từ đường, là nơi thờ tự dòng họ Đỗ Hữu, còn gọi là đền Tổng đốc Phương nhưng người dân từ xưa quen gọi là đền Bà Lớn, vì cũng là nơi thờ người vợ của Tổng đốc Phương, do bà vốn có nhiều công đức với dân chúng quanh vùng.

Không tạo ân oán

Biết tiếng Hán và tiếng Pháp nhưng Đỗ Hữu Phương lại rất chuộng văn hóa Pháp nên tìm cách ra làm việc với Pháp. Sau khi chiếm được thành Chí Hòa năm 1861, Pháp mở cửa thương mại và mở rộng mối quan hệ với người Hoa trong vùng để phát triển buôn bán. Ông Phương nhờ người quen giới thiệu với tham biện hạt Chợ Lớn lúc này là Đại úy Francis Garnier và được Garnier tuyển dụng. Đến năm 25 tuổi được phong làm hộ trưởng ở Chợ Lớn.

Dù làm việc cho Pháp nhưng chủ trương của ông Phương là không gây thù chuốc oán, cho nên ngay cả trong trường hợp không dụ hàng được mà phải đưa quân đánh dẹp, sau đó Đỗ Hữu Phương lại đứng ra che chở và xin chính phủ Pháp ân xá cho những người Việt tham gia khởi nghĩa.

Trong tài liệu của Pháp mang ký hiệu SL. 312 ở Cục Lưu trữ Nhà nước II, có đoạn khen ngợi Đỗ Hữu Phương: “Ông ta cố gắng tránh đổ máu trong lúc dập tắt nhiều cuộc nổi loạn gần đây. Ông ta đã xin chính phủ Pháp ân xá cho một số đông những đồng bào của ông đã cầm vũ khí chống lại chúng ta…”.

Nhờ cách hành xử như vậy cho nên dù bị ghét vì theo Pháp nhưng nhiều người vẫn cho rằng Đỗ Hữu Phương là người hiền.

Câu chuyện lạ lùng về tình bạn

Nguyễn Hữu Huân đỗ đầu thi hương năm Nhâm Tý nên được gọi là Thủ Khoa Huân. Ông vốn là bạn thân với Đỗ Hữu Phương từ nhỏ. Sau này lớn lên hai người hai ngả đường. Năm 1864, Nguyễn Hữu Huân bị bắt ở An Giang, Pháp xử án 10 năm tù, đày sang Guyan rồi Cayenne – là thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ.

Sau khi ông thọ án năm năm, Đỗ Hữu Phương đứng ra bảo lãnh để xin chính phủ Pháp ân xá cho Thủ Khoa Huân. Ngoài ra ông Phương xin đưa Thủ Khoa Huân về an trí ngay ở nhà của mình và phục chức giáo thụ là chức cũ trước đây để dạy học cho sinh đồ ở vùng Chợ Lớn.

Lợi dụng việc cho dạy học, Thủ Khoa Huân bí mật liên lạc với nhiều sĩ phu yêu nước và hội kín của Hoa kiều để mua vũ khí chuẩn bị khởi nghĩa. Thủ Khoa Huân bỏ trốn khỏi nhà Đỗ Hữu Phương rút về Mỹ Tho cùng với Âu Dương Lân để hội quân khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa lần thứ ba này được rất nhiều nông dân và địa chủ ủng hộ nên thanh thế rất mạnh. Phải hai năm sau, Pháp đưa quân bất ngờ tấn công thẳng vào căn cứ Bình Cách mới đánh dẹp được. Thủ Khoa Huân chạy thoát nhưng sang năm khi đi huy động quân binh khởi nghĩa thì bị Pháp phục kích bắt. Sau khi bị giam ở Mỹ Tho và được Tỉnh trưởng Gailland chiêu dụ hàng nhưng Thủ Khoa Huân vẫn từ chối, Pháp quyết định xử tử ông.

Bat mi gia san cua ty phu giau thu 2 Sai Gon mot thoiDinh thự của Tổng đốc Phương ở Chợ Lớn. Vị trí ngôi nhà nằm trên đường Châu Văn Liêm ở quận 5 TP HCM ngày nay. Ảnh tư liệu.

Vươn lên ngôi thứ hai của tứ đại phú

Trong quá trình làm việc, Đỗ Hữu Phương được thăng làm đốc phủ sứ Vĩnh Long, tổng đốc danh dự, rồi làm phụ tá Xã Tây Chợ Lớn, dân gian quen gọi là Tổng đốc Phương. Đây là chức vụ không quá lớn nhưng thiên hạ đồn rằng chức vụ này giúp ông Phương trở thành trung gian cho các thương gia Hoa kiều hối lộ viên chức Pháp, nhờ vậy thu rất nhiều tiền của trong các phi vụ làm ăn này. Tuy nhiên, nguồn tin khác cho rằng nhờ giao thiệp rộng, lại nhanh nhạy với việc làm ăn buôn bán nên ông Phương đã gầy dựng, mở mang các mối làm ăn thông qua các chuỗi cửa hiệu trong vùng Chợ Lớn.

Ông Phương có người vợ họ Trần (không rõ tên) là con của một viên tri phủ miền Trung. Bà là người rất giỏi giang trong việc quán xuyến nhà cửa và buôn bán. Nhà có hơn 2.000 mẫu ruộng do Toàn quyền Doumer cho khẩn trưng ruộng đất, bà vợ không chỉ lo việc cai quản, thu hoa lợi từ ruộng đất mà còn điều hành hệ thống buôn bán, phân phối hàng hóa cả ngàn cửa hiệu trong vùng. Hai vợ chồng “song kiếm hợp bích”, chồng ngoại giao mở mang, vợ tề gia, tiền đẻ ra tiền, đến mức thiên hạ đồn gia đình có gia nhân chuyên cho việc đếm tiền vì tiền thu vào nhiều quá, bà vợ không thể đếm xuể.

Nhớ đến nguồn gốc Minh Hương của mình, Đỗ Hữu Phương đã xây dựng nên Nghĩa Nhuận hội quán trên đường Gò Công. Ông Phương cũng đã bỏ tiền xây dựng Trường Collège de Jeunes Filles Indigènes tức Trường nữ Trung học Sài Gòn, sau này gọi là Trường Áo Tím, Gia Long, nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Ngoài ra ông ta cũng bỏ nhiều tiền tu bổ rất nhiều chùa chiền miếu mạo quanh vùng nên được dân chúng ghi công. Dọc theo kinh Chợ Lớn có một cây cầu gọi là cầu Ông Lớn. Ông Lớn đây chính là Đỗ Hữu Phương, theo lý giải của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển. Hồi đó người dân không gọi bằng tên thật. Cũng như sau này ngôi từ đường thờ người vợ rồi trở thành từ đường của dòng họ, được gọi là đền Bà Lớn.

Phong lưu cuối đời

Danh vọng và tiền bạc đều có đủ, Đỗ Hữu Phương sống phong lưu, thụ hưởng. Ông nhiều lần sang Pháp du ngoạn, đi thăm thú thủ đô nhiều nước châu Âu và đi vòng quanh thế giới. Trong danh sách các hành khách đi tàu Anadyr từ Sài Gòn đến Marseille ngày 29-4-1889 có tên ông cùng với hai người con. Điều này chứng tỏ ông tham dự Hội chợ kỷ niệm 100 năm cách mạng Pháp và sau này góp phần tổ chức khu triển lãm Đông Dương ở Hội chợ quốc tế Paris năm 1900.

Đỗ Hữu Phương sống trong một tòa nhà được xem là to nhất nhì Sài Gòn, nằm trên bờ kênh Xếp (sau này lấp thành đường gọi là đường Tổng đốc Phương, nay là Châu Văn Liêm). Bề ngoài nhà kiểu Tây nhưng bên trong nội thất theo kiểu Việt và Trung Hoa. Bá tước Pierre Barthélemy kể lại khi được viếng thăm: “Nhà ông là một sự pha trộn lạ kỳ giữa Âu và Á. Sân trong thiết kế theo kiểu Trung Hoa, chung quanh sân là các phòng kiểu An Nam mà một phòng salon ở tận trong rất đáng chú ý. Đối diện với salon này là một biệt thự kiểu Âu. Bàn thờ trong phòng salon An Nam này là một công trình tuyệt diệu nổi tiếng, bàn thờ được cẩn xà cừ. Những cột nhà làm bằng gỗ teck rất quý, trụ mái nhà của phòng salon này trông rất thanh tao và trên một bàn làm bằng gỗ quý là những chai rượu absinthe, amer Picon và những sản phẩm của Pháp khác. Ông Phủ thích đãi khách các đồ ăn đặc biệt và ông ta cũng biết thưởng thức các loại rượu của chúng ta. Nếu phải diễn tả hết tất cả sự giàu sang của nội thất An Nam này thì phải viết rất nhiều trang giấy…”.

Bá tước Pierre Barthélemy cũng kể về bữa ăn đặc biệt với những món ăn Tây, Việt và Trung Hoa, trong đó ông được đãi món đuông dừa vô cùng ấn tượng.

Đỗ Hữu Phương còn được biết đến như một người giao thiệp rộng, hiếu khách, hào phóng và sành điệu mà chính Toàn quyền Paul Doumer cũng phải kể lại trong hồi ký về Đông Dương: “Ông Phủ ở Chợ Lớn tiếp khách người Âu trong nhà ông, mời uống rượu Champagne và bánh petits beurres de Nantes, cho khách xem một vài sản phẩm đặc thù lạ kỳ của người An Nam và tổ chức theo sự đòi hỏi, ước muốn của khách, xem một tuồng hát của người bản xứ (hát bội)…”.

Trong nhà mình, ông Phương có xây cả một rạp hát bội nhỏ để chiêu đãi khách khứa. Ông thường đến nhà hàng, khách sạn Continental ở Sài Gòn và Café de la Paix, nơi gặp gỡ của các bạn bè Pháp-Việt thượng lưu trí thức để giao lưu.

Theo Dân Việt