Giai thoại "Trấn yểm long mạch" Hồ Con Rùa ở Sài Gòn xưa và Hồ "không có" Con Rùa hiện nay

   

Năm 1986, tôi ra Hà Nội và có người hỏi: Hồ Con Rùa trong ấy ra sao, có đẹp và giống Hồ Giươm ngoài này không? Giải thích rằng Hồ Con Rùa là cách gọi khác của Công trường Quốc Tế, thì bị nghĩ là nơi đang xây dựng công trình gì đó với cát gạch xi măng. Cuối cùng phải tả rõ là diện tích chỉ có bây nhiêu, có cái trụ nở xòe hình bông hoa, bệ xi măng chạy vòng quanh, dưới có ít nước… Nghe xong, ai cũng buột miệng: “Thế à, sao lại gọi là hồ nhỉ?”. Nếu hỏi tiếp: “Vậy con rùa ở đâu?” thì càng khó. Con rùa màu đồng đã thành bụi đất trước đó gần chục năm sau một vụ nổ. Chỉ còn con rùa trong cái tên.

Với các thế hệ tuổi trẻ ở Sài Gòn, Hồ Con Rùa là nơi lui tới gần gũi đáng yêu. Giở ảnh đen trắng trong các album gia đình ở Sài Gòn, thường có tấm hình một nhóm bạn gái ngồi từng cụm quanh các bệ xi măng tròn ốp gạch mosaic, bận quần ống loe, áo ôm.

Chắc chắn chụp xong mấy tấm hình, họ sẽ đi rảo quanh đó, ngắm lá me bay ở “con đường Duy Tân cây dài bóng mát” rồi ăn bò pía, ốc len xào dừa hay bắp nướng mỡ hành. Từ đó, lang thang lên khu tam giác đại học Đinh Tiên Hoàng gặp bạn bè, ra khu nhà thờ Đức Bà xem và mua thiệp Tết ở góc Hàn Thuyên…

Nhiều người ở tuổi trung niên, khi rời Sài Gòn vẫn nhớ khoảng trời thơ mộng khi không tiền trong túi, vậy mà vẫn vui khi ra ghế đá Hồ Con Rùa ngồi ngắm các cô chụp hình, con gái trường Việt bận áo dài và dân trường Tây thì bận đầm…

Tôi nhớ khoảng sau Tết Mậu Thân 1968, lúc bảy hay tám tuổi, theo anh cả đi mua sách ở Khai Trí trên đường về có ghé mua bong bóng ở đây. Bức tượng con rùa màu vàng trông như bằng đồng, đội trên lưng tấm bia cao có ghi tên một số quốc gia. Sau này đọc tài liệu mới biết Công trường này do ông kiến trúc sư Nguyễn Kỳ thiết kế và tên các nước viện trợ cho Việt Nam Cộng Hoà được khắc trên tấm bia, có lẽ vậy mới gọi là Công trường Quốc Tế hay nôm na là “Đài quốc tế viện trợ”. Nhìn từ xa, công trường là một khối kiến trúc hình thành một vòng xoay xung quanh, có một cái tháp cao nhất ở giữa nhìn như một bông hoa xoè ra. Có người lại cho là bàn tay đón nhận viện trợ. Bên cạnh tháp là một bệ tròn có cột trụ đỡ phía dưới, cắm thẳng vào hồ nước cạn. Từ bệ tròn có một cầu thang dài đi xuống khá đẹp với mấy nhịp ngắt.

Buổi chiều đi ngang qua đó. Cảm giác thật là mát mẻ khi nước dưới hồ được phun lên, nhiều cây cao chung quanh và không khí thoáng mát.

Tấm hình bưu thiếp xưa, có hình một cái tháp nước có kiến trúc rất đẹp ghi hàng chữ “Sài Gòn – Le Château d’Eau” được vẽ bằng bút sắt bên cạnh được xác định là tháp nước nằm trong hệ thống nhà máy nước đầu tiên ở Sài Gòn. Ông Vương Hồng Sển trong Sài Gòn Năm Xưa cho đó là “một kỳ công kiến trúc”. Tháp nước này được ghi nhận xây xong năm 1880 và bị phá bỏ năm 1921. Vị trí của nó chính là nơi có Hồ Con Rùa hiện nay. Sau 1921, Pháp cho xây ở đó Tượng đài Chiến sĩ Trận vong Đại chiến Thế giới lần thứ nhất – được dân gian gọi là “tượng ba hình” vì có tượng ba người lính, cho đến năm 1964 mới bị phá bỏ.

 

Hồ Con Rùa đến nay vẫn còn nhưng dường như không mấy khi được tu bổ. Trong mắt người viết sống từ nhỏ ở thành phố này, đây là một kiến trúc đẹp và đầy gắn bó với người dân thành phố từ nhiều năm qua với hình tượng thanh thoát, có nét riêng biệt. Nó trở thành một ký ức đẹp khó phai, mong rằng sẽ không bị phá bỏ như đã từng xảy ra với một số kiến trúc xưa cũ khác ở Sài Gòn.

Nguồn: Phạm Công Luận (Sài Gòn Chuyện Đời Của Phố)

Diện mạo Hồ Con Rùa qua các thời kỳ lịch sử

Hồ Con Rùa nổi tiếng của Sài Gòn từng nhiều lần thay đổi diện mạo và tên gọi qua các thời kỳ lịch sử khác nhau.

Hồ Con Rùa vào năm 1790 là vị trí cổng thành Khảm Khuyết của thành Bát Quái. Sau cuộc binh biến Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng cho phá hủy thành này. Vào năm 1878, tháp nước được xây tại vị trí cổng thành cũ để để cung cấp nước uống cho cư dân trong vùng.T

Tháp nước ở vị trí Hồ Con Rùa nhìn từ đường Blan Subé, nay là đường Phạm Ngọc Thạch.

Đến năm 1921, tháp nước bị phá bỏ. Tại vị trí này, người Pháp đã cho xây dựng một tượng đài với hồ nước nhỏ để tôn vinh các binh sĩ Pháp đã tử trận ở Đông Dương. Ảnh tư liệu.

Do công trình có tượng ba binh sĩ Pháp bằng đồng nên người dân địa phương thường gọi khu vực này là Công trường Ba Hình.

Vào năm 1964, các sinh viên theo khuynh hướng dân tộc đã gây ra một cuộc ba.o loa.n và kéo đổ các tượng đồng của Pháp. Sau đó, tượng đài bị phá dỡ, và khu vực này được đổi tên thành Công trường Chiến sĩ.

Một hình ảnh về Công trường Chiến sĩ năm 1964.

Sau khi tượng đài cũ được phá bỏ, Hồ Con Rùa bắt đầu được xây dựng theo thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Kỳ.

Từ năm 1970, Hồ Con Rùa thực sự được trùng tu và chỉnh trang, gồm việc dựng thêm và điều chỉnh 5 cột bê tông cao có dạng năm bàn tay xòe ra đón đỡ giống như các cánh hoa đón đỡ nhụy hoa. Tháp chính có chiều cao 34 mét.

Quanh tháp là hồ nước hình bát giác lớn với bốn đường đi bộ xoắn ốc đồng hướng đến hình tượng con rùa bằng hợp kim có đỡ trên lưng bia đá khắc tên các quốc gia viện trợ cho miền Nam Việt nam.

Sau khi công trình được xây dựng hoàn chỉnh, vào năm 1972 khu giao lộ đổi tên thành Công trường Quốc tế. Nhưng người dân gọi là Hồ Con Rùa do có con rùa giữa hồ.

Sau đó, con rùa bị phá hủy trong một vụ nổ mà nguyên nhân không được xác định. Nhưng cái tên Hồ Con Rùa thì vẫn được dùng theo thói quen. Ảnh: Wayne Trucke

Về cơ bản, diện mạo Hồ Con Rùa không thay đổi nhiều kể từ thời điểm đó đến nay.