Hoài niệm lại một Sài Gòn lộng lẫy của mùa Giáng sinh năm xưa _ kí ức

   

Ảnh hiếm về Sài Gòn mùa Giáng Sinh trước năm 1975
“Một mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời
Người hẹn cùng tôi ngày về khi đất nước yên vui
Quỳ lạy Mẹ Maria lòng Mẹ từ bi bao la
Tấu khúc nhạc lên xin ơn trên ban cho nhà nam….” 

 

Nhớ mãi những ngày xa xưa ấy, khi tiết trời Sài Gòn vào độ đầu tháng 12, có những cơn gió se se lạnh làm dịu mát cả tâm hồn, trên Đài Phát Thanh Sài Gòn bắt đầu sẽ phát đi phát lại nhạc khúc “Mùa Sao Sáng” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Những quán cà phê bên vệ đường cũng hối thúc nhau trang hoàng bằng những cây thông nhỏ xanh xanh, những bóng đèn màu lấp lánh, hay những dải ruy băng đầy màu sắc,…những bản nhạc Giáng sinh được cất lên cả tháng trời làm lòng người nôn nao khó tả. Dù Giáng sinh không phải là một ngày lễ chính thức của đất nước, nhưng không khí nhộn nhịp và cách bày trí lung linh thì không hề kém cạnh bất kỳ quốc gia nào. Năm nào cũng thế, dường như nó đã trở thành thông lệ của Sài Gòn, cũng như chỉ cần nghe ca khúc “Season in the Sun” của Terry Jack năm 1974  thì người ta sẽ tự động nhớ đến khung cảnh mùa hè.

 

 
 

Còn nhớ những năm ngồi trên ghế nhà trường Taberd, cứ dịp Giáng sinh hàng năm nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh tham dự thánh lễ vào lúc nửa đêm rồi ra về với buổi Réveillon đêm thánh vô cùng đầm ấm, còn được nhận những món quà nho nhỏ từ ông già Noel. Tiệc Réveillon thật chất cũng không có gì, đơn giản là một bữa ăn có nồi cháo gà xé phay, nồi cà ri, ăn cùng với chè hoặc xôi, thêm một chút bánh kem hình khúc cây có tượng ông già Noel đặt ở trên. Cái tuổi thơ về những năm tháng ấy vô cùng êm đềm và tươi đẹp, nó như một điệu nhạc réo rắt của bài “Đêm thánh vô cùng” vang lên đêm Giáng sinh. 

Sài Gòn - Những mùa Giáng Sinh xưa

Bài hát về mùa Giáng sinh nhiều lắm, nhưng không phải bài nào cũng vui tươi và hào hứng, có những bài càng nghe càng cảm thấy nao lòng. Nó có thể là những bài hát tình yêu trong đêm thánh, họ yêu nhưng lại chẳng đến được với nhau, họ xa nhau nhưng rồi lại nhớ về nhau da diết, cộng thêm cái không khí se lạnh não nùng thì thật ảm đạm làm sao. 

 

“Bài thánh ca đó còn nhớ không em
Noel năm nào chúng mình có nhau
Lung linh sao trời đẹp thêm môi mắt
Áo trắng em bay như cánh thiên thần
Ngọt môi hôn dưới tháp chuông ngân…”

 
 

(Bài hát “Bài thánh ca buồn” của nhạc sĩ Nguyễn Vũ)

 

Hoặc có những bài nguyện cầu cho đất nước được thanh bình, nhanh chóng thoát khỏi cái thảm cảnh chinh chiến khốc liệt. Kèm theo đó là những tâm sự nghe xót xa lòng của những người chiến sĩ biên cương, trực gác giữa đêm ở tận nơi rừng sâu hẻo lánh, cứ mãi ngóng trông về nơi thành thị Sài Gòn bóng dáng người yêu bé nhỏ. 

 
 

“Mùa Giáng Sinh xưa anh hẹn anh sẽ về
Ngày đó Noel bên hội sao trần thế
Anh có nhớ không anh
Em mặc màu áo xanh lam
Xanh như liễu đà lạt
Một chiều đông Giáng Sinh…”

 

(Bài hát “Màu Xanh Noel” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông)

 
 

Nhất là khoảng thời gian sau năm 1975, khi những không khí tưng bừng ngày lễ không còn, những hình ảnh tráng lệ của đường phố Sài Gòn cũng không còn, ánh đèn màu lung linh cùng với tiếng nhạc réo rắt mùa Giáng sinh biến mất,…tất cả chỉ còn trong kỷ niệm. Bản nhạc Giáng sinh cất lên, làm cho người ta chợt nhớ về cuộc sống hôm nào, đó là khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi trong thời chiến tranh. 

 

Nhớ lại những buổi hẹn hò đêm Giáng sinh thuở mới lớn, suốt cả buổi chiều ngày 24/12 người người đã nôn nao xúm xít váy quần đẹp đẽ, xịt thêm chút nước hoa, chải chải chút mái tóc mượt mà, ngồi lên con xe Honda vội vã lên đường hẹn hò. Hồi ấy, cứ hễ đến lễ Giáng sinh thì những con đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tự Do,…đều không cho phép xe cộ lưu thông vào khu vực này, chỉ dành cho người đi bộ, vui chơi tản bộ đêm Giáng sinh. Buổi chiều, các quán cà phê nằm trên đường Lê Lợi đều rất đông đúc giới trẻ, tập trung lại vừa uống nước vừa ngắm cảnh dòng người tấp nập qua lại.

 

Mấy rạp chiếu phim cũng đông không kém, trai gái ăn mặc đẹp rủ nhau vào xem phim, thật chất cũng chỉ là tìm kiếm một chỗ tâm sự kín đáo hơn mà thôi. Chứ ngoài đường thời điểm ấy đông như trẩy hội, ồn ào nhộn nhịp, chỉ ngắm nhìn dòng người thôi cũng hết cả thời gian. 

 
 

 

Đêm hồng ân, đêm an lành,…không hiểu từ lúc nào mà dân Sài Gòn có thói quen mua thiệp chúc mừng ở gần khu vực Nhà thờ Đức Bà hoặc quanh những nhà thờ khác. Sau đó lại tay trong tay đêm Noel kéo nhau về đường Lê Lợi, cũng có khi là tụ tập ở bãi cỏ trước nhà thờ để chờ đến lúc nửa đêm nghe tiếng chuông nhà thờ vang vọng. 

 

Trung tâm thành phố Sài Gòn rất nhộn nhịp, được đầu tư trang trí rất lộng lẫy, nhưng sôi động nhất vẫn là hai bên con đường Lê Lợi với hàng dài những kiosk bán vật phẩm Giáng sinh, nào là thiệp mừng, băng dĩa nhạc, cây thông trang trí, dây kim tuyến lấp lánh,…trải dọc đến con đường Nguyễn Huệ, phía trước vỉa hè Thương xá TAX.

 

Nghe kể thấy không khí vui tươi và rộn rã thế thôi, chứ khi chiến tranh đến thì cuộc sống lại quay về tình cảnh khó khăn trước đó. Đêm của Hồng Ân, đêm của những lễ hội vui tươi tựa như giai điệu rộn rã của ban nhạc Boney M với bài Jingle Bell, bài Mary’s Boy Child của Boney M,…có khi cũng buồn và ảm đạm như bài Last Christmas của nhóm nhạc Wham!.Nghe bài hát, có ai cảm thấy chạnh lòng khi nhớ về tình cảnh quê hương ngập tràn trong chiến tranh, từng đoàn người khắp các tỉnh thành lũ lượt kéo về Sài Gòn để lánh nạn năm 1974. 

 

Đợt Noel năm đó, không hiểu sao trời chợt đổ một cơn mưa lớn làm cho giới trẻ Sài Thành ngỡ ngàng với dòng suy nghĩ: Thế thì còn đâu đêm Noel hoành tráng và hạnh phúc. Nhưng cũng nhờ thế mà mấy quán cà phê trở nên đông đúc rất nhiều, bởi giới trẻ kéo nhau trú mưa tán dóc chờ trời tạnh. Hơi khói thuốc, cộng thêm đủ loại mùi thơm nước hoa cứ vởn quanh đầu mũi khiến người ta như chết ngạt. May là trời thương tạm dừng cơn mưa, để cho đám trẻ vô tự lự trong chiến tranh được tận hưởng chút giây phút hạnh phúc đêm Noel. 

Video hiếm - Giáng sinh trên đường phố Sài Gòn trước năm 1975

Bản thân tôi cũng đã từng trải qua mùa Giáng sinh thật thơ mộng và êm đềm, cái thời vẫn còn ngu ngơ và e thẹn, thích một người lại chẳng nói nên câu, cứ âm thầm đơn phương và nhờ người gửi em vài cái thiệp mừng Giáng sinh an lành. Thư đã trao đi rồi, nhưng trong lòng cứ thấp thỏm mãi, sợ em không nhận nó, sợ em đành lòng trả lại tấm chân tình kia và đáp lại bằng câu “không yêu” khiến kẻ si tình đau lòng. Sau mấy hôm chờ đợi và ngóng trông “dài cổ” thì cũng nhận được tấm thiệp “hồi âm” của em. Tâm trạng của một chàng trai mới lớn, tập tành yêu đương lúc đó xốn xang lắm, cầm tấm thiệp cả buổi cũng chẳng dám mở ra xem thử bên trong có gì, tâm tình cứ lâng lâng như ở trên “9 tầng mây” cho đến khi tiếng chuông tan học vang lên mới kịp hoàn hồn. Còn em cứ thi thoảng lại quay lại liếc nhìn tôi và môi còn tủm tỉm nụ cười duyên dáng, tâm tình tôi lúc đó lại càng rối ren hơn. 

 
 

Vừa về đến nhà, đồng phục cũng chẳng kịp thay đã nóng lòng muốn mở thiệp xem bên trong có gì. Gỡ ra thì chỉ thấy một bức hình Chúa Giêsu nằm ngủ một mình kèm với câu chúc: “Mong tâm hồn của anh đẹp và hồn nhiên như giấc ngủ của Chúa Hài Đồng”. Chỉ với một câu ngắn ngủi thế thôi cũng đủ làm cho tôi vui đến quên đời. Một gã trai tơ mới lớn như tôi thì làm sao hiểu được ẩn ý sâu xa trong câu chúc, cứ ngỡ em đang khen mình đẹp trai và hồn nhiên. Mãi đến sau này khi lấy vợ thì mới hiểu hết được hàm ý của câu chúc, ý của em là: “Tôi nên sống hồn nhiên và trong sáng đi, đừng có tập tành yêu đương sớm thế, chúng mình còn phải lo học nữa, chưa tới cái tuổi yêu đâu mà mơ màng”. 

 

 

Hồi ấy, việc tặng thiệp Giáng sinh hay thiệp mừng Tết Nguyên Đán là bình thường mà còn mang theo ý nghĩa rất hay nữa nên người người bảo nhau tặng thiệp cho người thương, người thân. Người được tặng đương nhiên sẽ vô cùng hồi hộp và sung sướng, nhận được càng nhiều thiệp chứng tỏ bản thân được nhiều người yêu mến và vận đào hoa cũng vô cùng đỏ. Ngày ấy, mấy tấm thiệp được in rất đẹp với đầy đủ kiểu dáng, đa số là được nhập từ nước ngoài về, hình ảnh và màu sắc cũng rất bắt mắt nên giới trẻ Sài Thành yêu thích không nỡ buông tay. 

 
 

Nếu chỉ mới quen biết hoặc còn đang trong giai đoạn bạn bè thì gửi nhau đôi lời chúc tốt đẹp, đại loại như: “Tháng năm trở nên ý nghĩa và ngập tràn niềm vui khi có một người bạn như bạn ở cạnh tôi. Niềm vui dịp Giáng sinh đang dần lấp đầy trái tim của bạn, chúc bạn một mùa tràn đầy hạnh phúc và vui vẻ”, hoặc “Đây là một mùa tràn đầy sự ấm áp từ tình bạn và sự thoải mái từ những người thân yêu. Có bạn là bạn của tôi khiến tôi được sống với rất nhiều niềm vui và sự tận tâm của bạn làm cho trái tim tôi tươi sáng. Giáng sinh vui vẻ!”,…

 

Sau đó là những mùa Giáng sinh buồn liên tiếp, bởi những suy nghĩ chồng chéo lo lắng cho tương lai mai sau của lớp trẻ. Chính quyền mới không cho phép tụ tập đông đúc, nhất là những thanh niên trẻ ở khu trung tâm thành phố, bởi họ sợ làm mất trật tự an ninh. Nhưng do Giáng sinh được coi là một lễ hội Quốc tế nên họ chỉ có thể hạn chế số giờ tụ tập và tăng cường thêm lực lượng an ninh trà trộn vào đám đông, nếu có lộn xộn là can thiệp ngay. Chính vì thế mà không khí Noel cũng chẳng còn nhộn nhịp trọn vẹn. 

Đón Giáng Sinh này tôi nhớ Giáng Sinh xưa - Ký ức đêm Noel Saigon 50 năm  trước

Ngày nay, Sài Gòn cũng rất đẹp và tráng lệ với những tòa nhà cao ngất cùng ánh đèn chiếu sáng đầy huyền ảo. Đêm Giáng sinh Sài Gòn vẫn bừng lên những ánh sáng màu rực rỡ, từ trên cao rọi xuống như những vì sao lung linh trong đêm tối mờ mịt. Có thể, với nhiều người, Sài Gòn của bây giờ đẹp và hoành tráng hơn Sài Gòn ngày xưa nhiều lắm, nhưng trong lòng của dân Sài Gòn xưa thì không bao giờ quên được cảnh tượng Giáng sinh thời chinh chiến năm nào. Cuộc sống tất bật, còn rất nhiều mảnh đời khó khăn nhưng họ vẫn nở nụ cười trên môi, hòa vào dòng người để đón chào Noel và nguyện cầu một cuộc đời êm ấm. Nhớ cả tháng 12 hằng năm khi tiết trời se lạnh, được nghe giọng ca Giao Linh trong những quán cà phê quen thuộc cùng tiếng chuông nhà thờ vang vọng nơi xa, khiến người ta da diết khôn nguôi: 

 

“…Lạy Mẹ đồng trinh ban ơn người việt càng thương nhau hơn

Đất nước này đây sáng đức tin Chúa trên trời cao”