Hồi ức "những năm tháng ấy": Bức tranh về Tết Hà Nội xưa _ kí ức

   

Những tập tục vào ngày Tết của người Hà Nội xưa được nhà văn Vũ Ngọc Phan miêu tả chân thực trong hồi ký “Những năm tháng ấy”.

Đã từ rất lâu, Hà Nội vốn trở thành một nơi có nhiều tập tục truyền thống đại diện cho nét văn hóa đặc trưng vùng miền, in dấu trong lòng mỗi người dân nơi đây. Chắc hẳn ai là người con của vùng đất Hà Thành này cũng từng nghe về những phong tục treo cành đa, lá dứa, vẽ cung tên để trừ ma quỷ… Tất cả những ký ức đẹp đẽ đó đã từng được nhà văn Vũ Ngọc Phan ghi lại một cách sâu sắc bắng tất cả sự trân trọng nhất trong hồi ký Những năm tháng ấy.

 

Tục sắm tết đầy đủ, no ấm

 

Đối với ngày tết hiện đại, hầu như người ta ưu tiên những món đồ xa hoa, màu mè và đầy đủ thì người xưa lại chú trọng vào các món ăn, các tranh vẽ hay các đồ vật vô cùng nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa.

Hương vị ngày Tết rõ nét nhất đó chính là những món ăn truyền thống như dưa hành, dưa cải muối, con gà trống thiến đã được mua hoặc nuôi từ sớm. Nhiều nhà có điều kiện hơn một chút sẽ chuẩn bị trứng vịt muối, lạp sườn.

Bán tranh treo ngày Tết.

 

Bán tranh treo ngày Tết.

Cứ đến 29, 30, cả nhà lại quây quần bên nhau để gói những mẻ bánh trứng vuông vắn, đẹp đẽ bên trong có thịt mỡ có gạo nếp đậu xanh chuẩn bị bắc bếp. Những món giò cũng là một thành phần không thể thiếu mỗi khi tết đến, giò phải được nẹp chặt, đối với giò lụa phải chọn thịt ngon.

 

Tầm cận Tết, các mẩu câu đối, liễn đối của các cụ đồ được treo khắp nơi trên các vỉa hè tạo nên một bức tranh màu đỏ rực rỡ trên phố phường, Ở Hà Nội, muốn mua được những bức tranh truyền thống như tranh lợn gà, đám cưới chuột người ta lại đến Hàng Bồ, Hàng Dép, nơi đây còn có cả các bức tranh gỗ in giấy vàng, giấy hồng có ô vẽ…

Thầy đồ cho chữ

Thầy đồ cho chữ “Hoa tay thảo những nét, Như phượng múa rồng bay” (thơ Vũ Đình Liên).

Theo mô tả của nhà văn Vũ Ngọc Phan, không phải nhà nào cũng có được cái tết ấm no và đầy đủ, thậm chí có gia đình vì quá nghèo còn phải cầm cố cả bài vị, thế nhưng đến Tết dù phải bán thứ này, buôn thứ kia họ cũng cố gắng chuộc về. Bởi đối với mỗi gia đình Việt, thờ cúng tổ tiên đặc biệt là ngày tết là một phong tục không thể thiếu.

Gia đình nhà văn Vũ Ngọc Phan là một trong số gia đình còn theo tục lệ xua ma đuổi quỷ khi tết về, cứ đến chiều 30 là cả dòng họ treo cành đa, lá dứa, vẽ cung tên bằng vôi để ma quỷ sợ không dám đến. Thực ra tục lệ này cho đến những năm 1990 vẫn còn, nhưng sau này dần dần bị loại bỏ.

Ăn Tết đầy đủ

 

Hầu hết đều chuẩn bị mâm cúng vào chiều 30, các ngày đầu năm mới họ dành thời gian đi chúc tết. Buổi chiều cúng mứt, không cúng cơm.

Các mâm cúng sẽ cơ bản bao gồm bong bóng, mực, miến, thịt ninh với măng khô cùng rau cần, cải cúc… sang hơn thì có bát nâm, bào ngư, vây cá cùng với những thịt gà luộc, giò lụa, giò mỡ, lòng xào, lạp sườn, trứng muối, cá kho giềng mật, thịt kho ngọt…

Bàn cúng gia tiên.

 

Bàn cúng gia tiên.

Thức uống không thể thiếu là rượu cúc, khi que hương cháy được khoảng nửa thì pha nước cúng bằng chè ướp thủy tiên, ướp sen. Người ta cúng tổ tiên để đón ông bà ông vải về ăn tết với con cháu, cầu mong an lành, sức khỏe. Đến ngày mùng 3, gia đình sẽ ăn thang cuốn ăn với nước mắm ngon pha cà cuống, kiêng ăn vịt vì sẽ bị chậm chạp.

Mứt tết với các loại khác nhau cũng là món ăn quen thuộc, chưa kể một số nơi còn làm bánh phồng vẽ bằng bột nếp của làng Vẽ, Đông Ngạc, bánh huê cầu của làng Xuân Cầu, bánh sấy thịt lợn ép dẹt, các loại chè như chè Ô Long, Liên Tâm Hoa kiều bán ở Hàng Ngang. Có cả chè đầu xuân đựng trong những bao kẽm hay đóng gói dành cho các nhà có của mua đãi khách.

Ăn mặc ngày Tết

Đâu phải chỉ có thời hiện đại mới chú ý đến mặc đẹp ngày tết đến. Ngày xưa, cho dù giàu hay nghèo cũng phải ăn mặc tươm tất chuẩn bị đón Tết, bởi vậy mới có câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Nói về chủ đề này, Vũ Ngọc Phan miêu tả rất chi tiết từng bộ quần áo thanh lịch, mới mẻ như “đàn ông mặc áo cấp, đàn bà mặc vóc lê lựu”, những người có chức có quyền thì chọn các bộ đồ như áo lam, áo gấm, quần điều, giày dứa, thêu cườm. Tất cả vẽ nên một bức tranh sinh động, màu sắc với mong muốn một năm mới rực rỡ, đầy đủ.

 

Đấy là các ông còn các bà thì cũng “điệu” không kém thời bây giờ, ngoài son phấn, đánh má, kẻ lông mày, móng tay, móng chân còn có nước hoa của Pháp, vòng vàng, kiềng vàng, dây chuyền, ai giàu hơn nữa thì có hột xoàn, kim cương. Đặc biệt nhất phải kể đến nhuộm răng đen, một nét truyền thống trong làm đẹp của người thời xưa. Sau này, tục nhuộm răng, chít khăn ngày càng ít, phụ nữ ưu tiên búi tóc hơn.

Ngày tết đến, ai cũng ăn diện đẹp đẽ đi ngắm hoa, ngắm cảnh, ngắm người và đắm chìm trong “cái đẹp muôn vẻ của người phụ nữ đất kinh kỳ ăn mặc diêm dúa, trang nhã lịch sự”, “những cô gái thướt tha dưới hoa đào, sắc lụa và sắc mặt người ánh lên những màu hồng tương phản”.

Chơi Tết đầy chất thanh tao

 

Hoa ngày tết là các loại như đào, cúc tập trung chủ yếu ở khu Đồng Xuân. Hàng Ngang, Hoa kiều có thêm mẫu đơn, xa xỉ hơn là thú chơi thủy tiên. Thủy tiên chỉ có ở Hàng Buồm và do lái buôn Hoa kiều bán, các loại gọt sẵn thì ở Đồng Xuân có. Thủy tiên là loại mang đến ngụ ý về sự vui vẻ, điềm lành cho năm mới an lành, bình yên.

Nhà văn Vũ Ngọc Phan còn nói đến các cuộc thi thủy tiên ngày xuân của những người sành hoa, những củ thủy tiên nào được giải sẽ được rước về nhà bằng kiệu do những người ăn mặc chỉnh tề bê.

Có lẽ từ xưa cho đến bây giờ tục vớt bánh chưng ngày Tết được mong chờ nhất, bởi xen kẽ tiếng pháo nổ rộn ràng và tiếng ống bương gõ xuống đất, tiền đồng tiền và tiếng hát tạo nên một khung cảnh ấm áp, vui nhộn dịp xuân đến.

 

Người ta hát vang khắp phố phường: “Ông sống một trăm thêm năm tuổi lẻ. Vợ ông sinh đẻ những con tốt lành…” . Cứ giao thừa đến pháo nổ khắp nơi, bà còn háo hức chờ đợi ngày mới đến để dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp, xông đất để mang may mắn đến cho nhau. Người xông đất chọn tuổi cho hợp để đi xông hoặc tự xông chính nhà mình. Sau đó là cùng rủ nhau đi chùa chiền khắp nơi và xin câu đối về treo trong nhà. Ai có tài thì tự viết.

Vào mùng 1, người ta đua nhau đi gánh nước thuê, mỗi gánh được 2 xu. Người gánh nước mà xông đất còn gửi lời chúc tốt đẹp cho gia đình “Chúc ông bà năm nay tiền của như nước, như non” và nhận lì xì.

Như nhà văn Vũ Ngọc Phan miêu tả, cứ mùng 3 là hóa vàng tiễn ông bà ông vải. Sau đó, chọn ngày tốt để cúng Thánh sư, đốt pháo, mở cửa hàng. Đó là với thành thị còn nông thôn thì từ 23 tháng Chạp người ta dựng cây nêu cho đến hết mùng 7 mới hạ.

 

Hồi ký Những năm tháng ấy được tác giả viết khi tuổi đã 80, thế nhưng những ký ức tuổi thơ vẫn sâu đậm trong tâm khảm của ông, để cho ta thấy Tết Hà Nội thật đẹp, thật thanh lịch.