Hồi ức về những chiếc Tivi đầu tiên ở Saigon hơn 50 năm trước _ kí ức

   

Năm 1966, nhà tôi xuất hiện một vật quý không thể tưởng tượng được. Đó là một cái ti vi hiệu Denon thuộc Hãng Columbia của Nhật, 19 inches.

Khi ba mở ti vi trong thùng ra, anh em tôi hét lên vang xóm và lập tức trẻ con trong hẻm chạy đến ngay, bu đầy cửa cái và cửa sổ.

 

Đây là cái ti vi thứ hai của xóm mà ba tôi mua với giá 5.075 đồng tiền lúc đó, mua lại của một người quen đang cần tiền bán gấp. Trước đó, chỉ có nhà dượng Hai Mỹ, một ông chủ sự (trưởng phòng) tại Air Vietnam làm việc ở sân bay Tân Sơn Nhất mới mua nổi.

Đến giờ, tôi vẫn nhớ những chương trình thật hay của Đài truyền hình Sài Gòn trong suốt tuổi thơ của mình. Đó là chương trình ca nhạc thiếu nhi Tuổi xanh của kịch sĩ Kiều Hạnh, chương trình Quê ngoại đậm đà tình quê hương của nhạc sĩ Bắc Sơn. Về ca nhạc có chương trình của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ với nhạc kịch Ả đào say, ban hợp ca Thăng Long với các ca khúc Ly rượu mừng, Ngựa phi đường xa… Cải lương thì ban Dạ Lý Hương, ban Thanh Minh – Thanh Nga… Xem qua đài Mỹ thì có các phim Wild wild west, Combat, Lạc trong không gian, Lỗ tai lừa… Thời sự chiến tranh hay các chương trình của người lớn thì lứa chúng tôi còn nhỏ nên không màng tới.

 

Sắm ti vi trở thành niềm mơ ước của nhiều gia đình miền Nam. Nguyệt san Thời Nay tả lại chuyện này: “Máy truyền hình đã xuất hiện tại VN, lần đầu tiên, năm 1966. Một chiếc Denon, 12 inches, giá 16.500 đồng, 19 inches: 30.000 đồng… Mặc dù kỹ thuật còn lỉnh kỉnh, như: vô tuyến truyền hình (VTTH), chương trình cao su, hát nói nhiều hơn hình ảnh, ti vi – một danh từ mới – đã được “khán thính giả” VN chiếu cố kỹ. Nhà nhà đều có ti vi. Ai không có thì đi coi cọp. Ăng ten mọc như mắc cưởi, hướng loạn trên các mái nhà, nhất là ở các tỉnh. Chương trình được hâm mộ nhất là… cải lương và… đài Mỹ. Batman xuất hiện khắp hang cùng ngõ hẻm. Lúc đó điện còn yếu, mỗi nhà một survolteur cho ti vi”.

 

Phát sóng truyền hình từ… máy bay

Sau khi ông Diệm bị lật đổ, người Mỹ thiết lập hệ thống vô tuyến truyền hình cho quân đội của họ tại VN. Đồng thời họ giúp thành lập một đài truyền hình và đào tạo chuyên viên VN để tự điều hành các hoạt động.

 

Năm 1966, chính phủ VNCH khánh thành đài vô tuyến truyền hình đầu tiên, đồng thời thành lập Nha VTTH VN đặt tại Trung tâm điện ảnh. Nhiệm vụ của Nha là hằng ngày cung cấp các chương trình cho Đài VTTH Sài Gòn trên băng tần số 9.

 

Cần nhắc lại, trước đó, từ tháng 1.1966 đến tháng 12.1967, hệ thống VTTH Sài Gòn chỉ có một phim trường rất nhỏ tại Trung tâm điện ảnh số 15 Thi Sách, Sài Gòn. Trong thời gian này, các chương trình kể cả tin tức đều được thu vào băng từ (video tape) rồi được chuyển lên hai máy bay Super Constellation để phát theo hệ thống Flying station, vì thế hình ảnh thường bị rung, mờ, không rõ.

 

Buổi truyền hình đầu tiên phát vào ngày 29.1.1966. Trong buổi phát, máy bay vận tải Super Constellation bốn động cơ đặt tên là Ô-xanh 2 bay ở độ cao ổn định là 3.150 m. Mỗi tối máy bay này chở hàng tấn máy móc rời phi trường Tân Sơn Nhất lên tới độ cao nhất định tại một địa điểm phía đông nam Sài Gòn khoảng 32 km rồi từ đó bay theo một lộ trình không thay đổi, lặp lại mỗi đêm với tốc độ ổn định là 271 km/giờ. Máy bay bay suốt bốn giờ liên tục từ 19 giờ đến 23 giờ mới hạ cánh lại Tân Sơn Nhất. Từ 20 giờ máy bay phục vụ cho chương trình truyền hình thứ nhì loan tin và giải trí cho quân đội Mỹ đến 23 giờ. Trong máy bay có hai máy truyền hình mạnh 2.000 kW, hai máy thu hình và tiếng vào băng, hai hệ thống kiểm soát âm thanh, hai hệ thống vô tuyến điện ảnh dùng phim 16 ly. Các làn sóng điện đem theo hình ảnh và âm thanh có thể được tiếp nhận tới các nơi xa Sài Gòn như Campuchia (cách 120 km), Đà Nẵng (608 km), Cà Mau (206 km). Tuy nhiên Sài Gòn và tỉnh lân cận mới tiếp nhận hoàn hảo.

Vào khoảng cuối năm 1967, hệ thống này được mở rộng hơn, hai máy bay Super Constellation được thay bằng máy bay Blue Eagle. Đến tháng 3.1968, khi đài truyền hình mới đã được xây xong tại số 9 Hồng Thập Tự (nay là trụ sở Đài truyền hình TP.HCM) thì nhờ có trụ phát tuyến cao nên hình ảnh được rõ ràng, không còn mờ rung như khi phát hình bằng máy bay nữa. Từ đó các chương trình đầy đủ và phong phú hơn

 

 

Năm 1968, khi xảy ra cuộc tấn công Tết Mậu Thân, ba tôi đưa ti vi vào phòng trong. Cả nhà chui xuống bộ ván dày có chất bao cát phía trên để tránh đạn pháo và ló đầu ra theo dõi màn hình ti vi đang chập chờn. Tôi không nhớ gì về chương trình truyền hình lúc đó nhưng ti vi vẫn có ca nhạc có lẽ được thu trước và tin chiến sự đang xảy ra trong thành phố.

Dấu ấn không phai mờ

 

Thời đó, hầu hết các ca sĩ được yêu cầu nghiêm ngặt trong trang phục, đa số nữ ca sĩ bận áo dài khi ca hát hay diễn kịch. Nhiều vở kịch phản ánh rõ đời sống của người dân nghèo thành thị trong hoàn cảnh tao loạn chiến tranh, những cảnh đời bi đát và những nhân vật cố chống lại sự tha hóa trong đạo đức như Dưới hai màu áo, Lá sầu riêng, Tấm lòng của biển, Con gái chị Hằng… làm rớt nước mắt từ già đến trẻ. Có lẽ đó chính là những dấu ấn tốt đẹp không phai mờ mà người Sài Gòn còn nhớ về một thời xem truyền hình trước kia.

Nguồn: Phạm Công Luận (Chuyện đời của phố)