Đối với những người thuộc thế hệ 8x 9x tuổi thơ họ chẳng phải dưới ánh đèn led của smartphone hay tiết tấu nhanh chóng của thế giới số như bây giờ. Thay vào đó, mỗi khi nhắc đến những ngày nắng vàng ấm áp, hình ảnh mà họ nhớ về nhất chính là những buổi chiều dắt tay bố mẹ, kéo theo đám bạn đi xem xiếc Mo To bay. Đó không chỉ là một buổi biểu diễn nghệ thuật, mà còn là khoảnh khắc cả gia đình, hàng xóm, bạn bè cùng nhau chia sẻ tiếng cười, niềm vui và thậm chí là nỗi lo sợ khi những chiếc xe mo to lao vun vút qua những vòng tròn, bay lượn trên không. Mỗi tiết mục lại giống như một chuyến phiêu lưu mới, khiến lòng người tràn đầy kỳ vọng và thích thú. Giữa những tiết tấu của thời gian, có lẽ, kí ức về những buổi chiều ấy đã trở thành một phần không thể tách rời trong tâm hồn những người 8x, 9x.
Có nhiều người chưa từng xem diễn xiếc môtô bay làm tôi thấy một chút tự hào và một chút giật mình vì tuổi thơ của mình cũng "dữ dội" quá.
Video Biểu Diễn:
Trong tình cờ đọc một bài viết về đua môtô lòng chảo "Boardtrack racing" khiến tôi hồi tưởng về một phần ký ức môtô. Đầu tiên, có ai biết về biểu diễn môtô bay chưa? Trên một website có một chủ đề vào năm 2009, lúc ấy tại công viên Thủ Lệ (Hà Nội) có biểu diễn môtô bay, các thành viên trên diễn đàn bàn cãi và tranh luận rất nhiều về "Lực nào giữ cho môtô bay không rơi xuống?".
Nếu ai có tò mò thì cứ từ khóa ấy tìm hiểu để rõ thêm, tôi thì không quan tâm vấn đề đấy (thật ra tôi biết mà tôi không nói). Điều tôi ngộ ra là: có khá nhiều người chưa từng xem diễn xiếc môtô bay là như thế nào. Một chút tự hào và một chút giật mình vì tuổi thơ của mình cũng "dữ dội" quá.
Tôi đã được xem những buổi biểu diễn như thế này từ rất nhiều đoàn xiếc đi lưu diễn tỉnh từ rất nhiều hội chợ địa phương. Ơ hơ, thứ lỗi cho tôi, môtô bay mà tôi muốn nói tới không phải những cái đấy. Tuy không kém hào hùng, hồi hộp và rùng rợn, nhưng môtô bay trong tuổi thơ của tôi "tồi tàn" hơn, "bình dân" hơn.
Ngày xưa ở tỉnh, niềm vui của người dân là mỗi khi Nhà văn hóa tổ chức hội chợ vui chơi gì đấy. Vào những dịp lễ lộc, có khi chẳng dịp gì (cứ muốn kiếm tiền thì "mần" thôi), đặc biệt là Tết thì hội chợ kéo dài nhiều ngày "trường kỳ kháng chiến". Mỗi lần như thế tôi đều được mẹ dắt đi xem. Tôi chỉ xem thôi, hội chợ thì toàn những trò may rủi, bắn súng hơi, kêu lô tô, quay số... nếu có trúng giải thì cùng lắm chỉ được mấy gói mỳ Miliket, bột giặt hay xà bông cục (hay xà phòng ấy). Hồi ấy tôi chỉ thích thú hai thứ trong hội chợ, một là "ca nhạc" với các ca sĩ nhạc trẻ nổi tiếng hát nhảy trên những sân khấu chuồng gà, và thề là tôi chưa bao giờ dám chạy lên sân khấu tặng hoa và lợi dụng hôn hít trên những khuôn mặt đậm phấn và bóng nhẫy mồ hôi; hai là Môtô bay.
Sân khấu để xem môtô bay thì thường và nên như trong hình trên đây. Còn sân khấu để xem môtô bay ở tỉnh lị quê tôi thời ấy chỉ giống như một cái hộp hình trụ bằng khung sắt và gỗ, cao và đường kính cũng không rộng như hình trên (vì là phải hạn chế diện tích trong hội chợ). Sân khấu càng không được sơn phết màu sắc rực rỡ như thế này, mộc mạc nguyên cái "bản chất" hoen gỉ, và ẩm mốc của sắt, gỗ; được phủ thêm bạt cho kín đáo và đề phòng mưa gió; dán thêm vài tờ áp phích bằng giấy in màu và băng rôn có hình các motorbiker để giới thiệu.
Giá vé để xem biểu diễn môtô bay thời ấy tôi không nhớ rõ khoảng bao nhiêu, tùy thời điểm vào khoảng 10.000 - 20.000 nghìn đồng gì ấy. Tôi chỉ nhớ là nó chỉ gấp đôi ba lần những trò chơi khác. Tôi cũng nhớ là dường như không có vấn đề gì với giá vé mỗi lần tôi đòi đi hội chợ chỉ để xem môtô bay, và chẳng lúc nào cần phải nhảy đổng lên đòi hỏi, mẹ chẳng từ chối tôi bao giờ. Vậy nên chẳng đắt lắm đâu.
Mô-tô-bay được biểu diễn trong một "sân khấu" như một cái thùng to. Sân khấu được dựng tạm bằng từng mảnh ván gỗ xếp lớp và đóng đinh vào nhau, vì là tạm nên chẳng ai quan tâm nó phải đẹp, các mép gỗ phải ăn khớp và thậm chí cũng chẳng ai làm quá về mức độ an toàn của chúng. Bởi tôi nhớ rằng, mỗi lần lên xuống "khán đài", hãi nhất là khi màn biểu diễn kết thúc, mặc dù luôn có hai bên cửa với 2 cầu thang lên xuống nhưng thường mọi người sẽ ùa vào chỗ nào đông hơn nên khiến cho cái sân khấu chông chênh, mất cân bằng. Tôi thường níu lấy mẹ vì sân khấu cứ rung lên bần bật, sầm sập như có động đất.
Màn biểu diễn sẽ mào đầu bằng xe đạp của những người trẻ tuổi mới học việc, sau đó mới là từng chiếc môtô nối tiếp nhau. Một, hai, rồi ba chiếc vèo vèo đan vào nhau đến chẳng còn nhận ra màu của những chiếc xe nữa. Kế tiếp là đủ mọi kỹ thuật "xiếc" rùng rợn. Và không khí càng trở nên "bốc lửa" hơn khi người biểu diễn là một cô gái.
Trong sự tán thưởng nhiệt liệt của rất nhiều khán giả địa phương, các tay lái nghiệp dư biểu diễn môtô đan chéo nhau vòng vèo, thả một tay, rồi thả hai tay, rồi cởi áo khoác ra, rồi lại mặc vào trong tiếng vỗ tay của khán giả. Có những lúc tiếng động cơ rú lên, phần ván gỗ mà những người xem đang dựa vào "vùng mình" như muốn bứt khỏi những cái đinh đóng móc. Có những lúc chiếc môtô bỗng nhào lên như con thú dữ sắp lao ra khỏi chuồng, xông vào đám người bu bám đứng xem, rồi không vượt qua được (may mắn là thế), nó lại hụp xuống, phả lại một đống khói mù hôi hám như kiểu con chồn hôi "đuổi khách".
Những lúc ấy, con bé tôi chỉ đứng nhỉnh được hơn cái đầu với thành lan can, cũng chìa tay ra thành ngoài chờ đợi cái đập tay của những tay lái lướt qua chào khán giả. Một cảm giác rất hoang dại, bụi-bặm-bẩn nhưng rất nhiều cuồng nhiệt, kiêu hãnh. Sự chen chúc, mùi dầu mỡ, mùi khói, mùi nhớt, cả cái mùi mồ hôi trong một cái "sân khấu" mà cái thú ham mê tốc độ đang hừng hừng bao trùm lên từng khoảnh khắc. Cái ồn ào, nhốn nháo, cái phức tạp, hỗn loạn, gượm gượm, đừng lo cho tôi, không phải họ đánh nhau đâu, họ quá phấn khích đấy thôi, tỉnh lị quê tôi yên bình lắm.
Khán giả thường cầm tiền chìa ra để "thách" các tay lái lấy được nhưng thật ra là để thưởng cho họ. Đó là tấm lòng của người hâm mộ trở nên thiết thực nhất cho những người biểu diễn loại trò chơi mạo hiểm này. Vẫn thường sau khi kết thúc màn biểu diễn, trở lại mặt đất nhịp tim vẫn còn đập thình thình, con bé tôi hay cố nấn ná trước sân khấu chờ đợi chỉ để nhìn thấy các tay lái ấy bước ra từ "hầm cánh gà" một cách oai hùng.
Tiếng hô hoán, tiếng vỗ tay, tiếng huýt sáo, tiếng máy xe rít lên rồi hạ dần đều đều, tiếng bánh xe quay tròn ma sát lên thành "thùng" gỗ nghe cà ành cà ành đến dần chán là lúc có một mảnh thùng "sân khấu" được mở ra thành cánh cửa, các tay lái giơ tay chào khán giả, dựng những chiếc môtô ngã dựa vào nhau ở giữa lòng sân khấu. Màn biểu diễn môtô bay kết thúc.
Chuyện đã mười mấy năm rồi, bây giờ lục tìm ký ức bằng cách tìm trên mạng, thấy mọi người đặt tiêu đề "thót tim", "kinh hoàng chết người", "biểu diễn mạo hiểm" bỗng dưng tôi thấy mình hồi nhỏ cũng "kinh" nhỉ. Ra là mình đâu phải chỉ thích "may quần áo cho búp bê", hèn gì bây giờ có cái "thú vui tao nhã" đọc các bài viết "Born to ride" của Mann up. Có điều, tự nãy giờ tôi toàn gọi là môtô bay, thì tại tiếng địa phương của tôi gọi là như thế. Nếu để ý, môtô bay có tên quốc tế là Wall of Death (càng "hổ báo" hơn nữa). Và tất nhiên, câu chuyện về Wall of Death là một "trường kỳ lịch sử" vô cùng hùng hồn và khốc liệt mà dù rất đỗi nuối tiếc nhưng tôi không thể tóm gọn hay tranh thủ trong bài viết này được, tạm thời chỉ giới thiệu bằng đôi câu thơ:
Xem video Moto Bay