Chuyện về Sài gòn xưa nghe hoài hổng chán

   

Chốn Cũ Đường Xưa…

Hồi trước, ở Sài gòn, cánh đây lâu lắm, tròm trèm, nửa thế kỷ lận nhen. Tất cả cái loại xe hơi, hai đèn trước, đều phải có “mắt mèo” nghĩa là phải sơn màu vàng lên 1/3 bên trên mặt kiếng của đèn trước, ý là hỏng cho bác tài pha đèn ban đêm, làm chói mắt người hay xe chạy ngược chiều!

Bởi vậy, bác tài có muốn chơi ác pha đèn, cũng bó tay!!!

Khúc đường gần bịnh viện đều có bảng “cấm nhận kèn” để bịnh nhân khỏi giựt mình!

Xe đậu trong đường Sàigon đều phải tuân theo bảng đậu “ngày chẵn lẻ”…

Tất cả xe tắc-xi đều sơn trùng một màu xanh hoặc vàng xanh, ý là để “khách bộ hành” biết nó từ đàng xa để quơ tay đón và cũng có ý là nếu, hỏng phải xe tắc xi, mà là xe du lịch tư nhân lại đi ”dù” rước khách kiếm chút cháo là biết liền, cũng dĩ nhiên, xe nào “nhảy dù” như vậy, bị bắt là bị phạt, lớ quớ còn bị tịch thu bằng lái!

Xe tắc xi phải có đèn hộp “bắt chết luôn” trên mui xe, về đêm, hộp đó có đèn cháy sáng để khách biết mà dơ tay đón để cho khỏi lộn với xe du lịch! Xe buýt cũng phải sơn một màu đặc trưng riêng để dễ phân biệt với xe đò. Ví dụ Xe Buýt Vàng thì sơn màu vàng đặc trưng khác thiên hạ. Bến xe nầy ở gần Bà Quẹo mà bà con gọi là Bến-Tô-Bít-Vàng.

Kế bến xe buýt vàng nầy có hãng cơm sấy Hồng Hoa (?) làm cơm sấy cho lính …

Xe cộ phải đàng hoàng, cái nào ra cái đó, lộn xộn hỏng nên thuốc!

Bắt đầu 18 – 20 tuổi mới cho thanh niên lái xế hộp 4 bánh du lịch để lấy le, sau đó vài ba năm, bác tài trẻ mới lên được 1 “hạng”, rồi cày vô lăng vài năm nữa, mới cho mó tới xe tải, rồi “chạy xe” thêm vài niên, mới “đủ ngày” để lấy dấu E để lái xe đò, nghĩa là khi bác tài lái mấy chục tánh mạng hành khách, thì bác tài vô tuổi trung niền rồi, nên hết máu thanh niên, háo thắng, ưa nóng gà chạy ẩu!!! Chớ không có cái chuyện “giao trứng cho ác” được! Ở ngã tư đèn đỏ, có vạch sơn trắng, tất cả xe cộ đều ngừng sau vạch đó, xe nào cáng mức sơn, mà nhè ông đạp xích lô thấy được ổng chửi cho tắt bếp, quê lắm nhen!!!

Nhà bán thuốc tây, thì bảng hiệu đề Nhà Thuốc Tây hoặc Nhà Thuốc Gác (đó là danh từ chung) chớ khộng ai lấy Tên Riêng (danh từ riêng) để đề bảng hiệu bán thuốc tây! Hai bảng hiệu nầy luôn luôn là bảng màu xanh đậm và chữ trắng, nó còn có hộp đèn chữ thập xanh gắn thêm, để đêm hôm, người mua thuốc đứng ở xa, cũng thấy!

Tiệm nào bán thuốc bắc thì có chữ “đường” ở sau, Ví dụ: Vĩnh Sanh Đường, Nhị Thiên Đường, Thiên Hòa Đường … Còn chùa thì có chữ “tự” dính ở sau, ví dụ: Huỳnh Kim Tự, Thới Hòa Tự, Long Vân Tự, Linh Sơn Cổ Tự …

Tiệm bán vàng thì bảng hiệu chỉ có 2 chữ, chữ đầu luôn luôn là chư “kim”, ví dụ: Tiệm vàng Kim Hưng, Kim Liên, Kim Sen, Kim Hoàng, Kim Phát…

Địa Danh ít khi dùng chữ Thái (kỵ húy vua Thành Thái ?) mà dùng chữ Thới. Ví dụ: Thới Bình (Cà Mau), núi Châu Thới ( Biên Hòa), Bình Thới (quận 11), Tân Thới Hiệp (chỗ tập lính Quang Trung) Thới Tam Thôn, Thới Hòa (Vinh Lộc) Thới Nhứt, Thới Nhì, Thới Tam, Thới Tứ (Hóc Môn), Xuân Thới Sơn (chỗ đương trạc, giỏ tre …)

Nhà dân cất dọc đường lớn, xa lộ, người ta luôn luôn tự động cất nhà thụt lùi vô trong, ở xa lộ, cách Xa Lộ ít nhứt là 50 mét! Lý do là để cho an toàn chuyện xe cộ, thứ 2 nếu có mở rộng đường xá thì khỏi phải dời nhà. Nhà mà dời đi, dời lại là điều ông bà xưa kiêng kỵ, nên, hỏng ai ham lú mặt ra đường! Dọc đường cái trống trơn, hỏng ai dám gan, tới chỗ đó tự nhiên cất nhà …

Nếu gan cùng mình, cất nhà đại thì cứ cất, đợi cất xong, bên Điền Địa hỏi Bằng Khoán đất, hỏng có, thì “coi như” gia chủ xách tụng đi ăn mày ở tòa bố! Còn những tên cất nhà, mà lấn từng tấc đất, bà con nói nhẹ rằng “thằng đó hết xài”! Thằng nào “hết xài” thì nó, chỉ còn nước đội quần mà đi, nhục lắm!!! …

Ở Sàigon, cái vụ học hành, có ba thứ trường để học: Trường Công Lập, Trường Tư Thục và Trường Hàm Thụ.

Trường Hàm Thụ là trường mà hỏng ai tới trường! Bất kể ai, vì hoàn cảnh gì đó không tới trường học trực tiếp được, thì cũng có cách học để tiến thân, đó là “học trường hàm thụ”.

Nghĩa là, cứ đi làm sở, làm sùng tà tà hay làm việc nhà nấu cơm hoặc cày sâu cuốc bẩm đồng sâu nước mặn… Nếu muốn tiến thủ trong cuộc đời thì ghi danh học Trường Hàm Thụ, trường sẽ gởi Bưu Điện bài học, bài làm tới nhà và làm bài xong, gởi bưu điện tới cho trường chấm bài, rồi trường gởi bài tiếp. Cứ thế, cứ thế, chỉ tới ngày thi, thì thí sinh phải đi thi mà thôi. Bởi vậy, anh em nào có tinh thần cầu tiến, cứ học, nếu thi đậu thì đáng nể lắm!!!

Trường Tư Thục thì học sinh phải “đóng tiền trường” hàng tháng và bằng Tú Tài cũng giống y như học sinh Trường Công Lập.

Trường Công Lập là trường công, học sinh không đóng tiền trường suốt 7 năm Trung Học. Đặc biệt, trường Công Lập nam nữ lại cho học riêng, như: Trường Công Lập Nữ Trung Học: Lê văn Duyệt, Gia Long, Trương Vương v.v…Trường Công Lập Nam Trung Học: Hồ Ngọc Cẩn, Chu Văn An, Võ Trường Toản, Pétrus Ký, Lý Thường Kiệt, Quốc Gia Nghĩa Tử v.v…

Ở trường công nam, Nam Sinh mặc đồng phục Quần xanh áo trắng bỏ áo vô thùng, trên miệng túi áo, có ghi tên trường hẳn hẹ nên đố thằng nào dám hó hé!

Ở trường công nữ, Nữ Sinh đồng phục là mặc áo dài trắng, quần trắng. Có thời khắc “mấy nhỏ áo dài trắng” bắt chước mấy cô Ca Sỹ Sàigòn, bận áo dài vạt “lửng” còn tay áo thì kiểu “rặc lăn” là tay áo dài nối vô thân áo. Thiệt, quả là báo đời một phen!!! Mấy anh chàng Nam Sinh trường công vì học chung “tòn-là đực rựa” nên nhiều thằng dòm quí nàng áo dài vạt lửng bước đi với tà áo (cố tình) thước tha yễu điệu, tụi đực rực áp nhau thấy, tụi nó rụng rúng bầy bầy!!! Hì hì…

Bởi vậy, mới có chuyện, mấy “tay tổ” trường công nam, cúp cua vô Lăng Ông Sở Thú Tao Đàn để “trồng cây si” mấy nàng áo trắng, thây kệ chuyện, bị cồng-sing!!!

Và thấy tiếp ở Sàigòn năm xưa…

Cây xăng nào cũng có “vòi bơm bánh xe gắn máy, xe hơi” đứng ở giữa hai trụ xăng. Đang chạy xe, thấy bánh xe mềm, tấp vô cây xăng, dựng xe trước “cây bơm”, lấy tay “quây” cây kim hơi, về số 5 (5 năm ký hơi) rồi ung dung ngồi xuống, mở nấp vòi, ịnh đầu bơm hơi vô vòi ruột xe để cho nó tự bom, cây kim bơm hơi, quơ quơ nghe cạch cạch cạch, tới khi, nghe kêu cái teng, đủ hơi, là máy bơm tự động ngừng bơm. Bơm xe như vầy, nghe nó phẻ cách gì, chớ 2 tay “thụt ống bơm” mệt lắm!!! Nhưng, úi chà cứ bom cây xăng riết, ruột xe Honda tòn – là nước không hà! Biết được ruột xe có nước là do vô vá xe tại tiệm sửa xe “Sĩ Solex” kề bên trường Lê Văn Duyệt và bên kia đường có rất nhiều ruộng rau muống xanh um!

Trên đường Phan Đình Phùng Sàigòn 3, kề bên chợ Vườn Chuối có đường xe lửa chạy ngang và bên kia đường rầy, có căn nhà 3 từng, đó là nhà “cho mướn sách” Cảnh Hưng, cho mướn sách là cho đọc giả mượn sách về nhà đọc, nhưng phải “đóng tiền thế chưn” bằng 1/2 giá tiền sách in ở trang bìa, khi đem trả sách, Cảnh Hưng trừ tiền mướn vô tiền thế chưn, tiền mướn, cứ 1 cuốn 1 đồng 1 ngày răng rắc! Mấy nhà bán sách và tác giả có sách xuất bản hỏng vui với Cảnh Hưng. Nhà Cảnh Hưng chứa sách để cho mướn hỏng biết mấy chục ngàn cuốn, vì sách nằm trong kệ đen nghẹt, bít kín từng trệt và 2 từng lầu.

Ông Cảnh Hưng tướng tá hơi nhỏ con nhưng vui tánh, học trò khoái lắm! Thằng học trò nào mê Kiếp Hiệp, muốn luyện chưởng hay muốn đột nhập “cái ban vài ba túi” thì tới đây tìm bí kíp!!!

Ông Cảnh Hưng biết tẩy học trò hết ráo nhen, thấy mặt, ổng cười hì hì, liền cho mượn cả tuần mới trả, với 2 đồng một tuần là cái “giá-ghẽ-ghề”. Bởi vậy, học trò “mê đọc sách” Cảnh Hưng quá xá cở là vậy đó đa!!!

Phụ việc ông Cảnh Hưng là bốn năm đứa nhỏ, chuyện môn, chạy đi lấy sách theo sự “chỉ chỗ” của ông chủ hay lấy sách đọc giả trả, rồi đem sách để “chỗ cũ”. Ông Cảnh Hưng có trí nhớ siêu phàm tàn canh gió lốc.

Khi ai tới mướn sách, chỉ cần nói tên sách, là ông Cảnh Hưng, nói liền, thí dụ:

– Bộ Tam Quốc Chí có 3 cuốn, nhưng khách đang mướn cuốn 1 và 2..

– Ủa ? Ông chủ có cả chục bộ lận mà?

– Thì ờ người ta mượn hết ráo rồi, giờ còn cuốn 3. Cuốn 1 và 2 mai trả…

– …vậy đi lấy tui cuốn 3 cũng được!

Ông Cảnh Hưng ra lịnh:

– Tèo, mầy lên từng 2 kệ số 7 ngăn 6 lấy cuốn 3 bộ Tam Quốc Chí cho ông Hai!

Học trò Đệ Lục nghe ông Cảnh Hưng nhớ từng vị trí cuốn sách nằm ở đâu trong rừng sách từ trên lầu xuống tới đất thấy mà xám hồn luôn!!!

Ông Cảnh Hưng có quen với nhiều nhà xuất bản, như Yên Sơn (Phú Nhuận) chẳng hạn, khi đang sách in, ông được ưu tiên “thộp” một mớ đem về cho mướn trước, khi nào in đủ số, sách mới phát hành! Bởi vậy, coi sách “nóng hổi” là vậy!

Mỗi loại sách, Cảnh Hưng có ít lắm 15 bộ mới đủ cho mướn. Đặc biệt, những cuốn sách hồi xưa, xa lắc, xa lơ xuất bản từ hồi bà cố hỉ cố lai 8 đời vương ông hoãnh nhà Cảnh Hưng cũng có!!! Như cuốn Tôi Kéo Xe của Tam Lang hay cuốn Con Trâu của Trần Tiêu in năm 1940 hoặc cuốn Chồng Con in năm 1941!!!

Biết “rõ” như vậy là do Cô dạy Việt Văn cho “thuyết trình” ở lớp những Tiểu Thuyết xưa, mà sách…xưa ơi là xưa, thì chỉ có ở nhà Cảnh Hưng!!! Thế là học trò Đệ Lục tức tốc mượn về, để mần thuyết trình trong lớp.

Sách cho mướn, được bao thêm bìa giấy xi măng, trên đó, viết chi chít ngày mượn. Ngoài ra, học trò muốn mượn “cuốn nào hây hây”, thì hỏng hiểu “do đâu”, ông Cảnh Hưng liền nói tuốt luốt một lèo cho nghe, cái nội dung cuốn “sách hây” hoặc là bất kể cuốn nào mà học trò còn …mù mờ, nghe xong, thế là học trò mượn liền!

Ông Cảnh Hưng còn quảng cáo cuốn sách thứ dữ “chỉ tao mới có”. Sách nầy thuộc loại “cái ban môn phái” mà học trò khi ấy đang muốn luyện thử! Đó là cuốn Lục Tàn Ban (quên tên tác giả). Đây là cuốn sách viết về cái bang bảy tám túi, coi hay hết kỵ luôn:

Lục Tàn là 6 nhân vật (tàn tật) gồm: Thằng đui, thằng điếc, thằng mất 2 giò, thằng mất 1 tay, thằng mất 1 chưn, thằng cụt 2 tay.

Thằng đui làm Ban Trưởng Lục Tàn!!! (ối trời). Sáu ông cố tàn nầy luyện chưởng, luyện gồng, luyện nghe, luyện thấy, luyện chạy thuộc hàng cao thủ võ lâm để trả thù cho sư phụ bị sát hại năm xưa. Giới giang hồ cho rằng “môn phái” đó bị tiêu diệt, khi 6 đệ tử sau cùng bị thương nặng trong rừng, không ai cứu chữa và ai cũng tưởng chết hết rồi!

Mấy thằng học trò Đệ Lục coi say mê Lục Tàn Ban luôn!!! Có thằng còn “luyện thử” cách dòm xuyên màn đêm của cao thủ Lục Tàn Ban!!!

Bởi vậy, thằng nào non tay ấn, luyện nhản riết, tới độ mang kiếng cận dầy cui, chớ ở đó mà đổ thừa “tại bị”rồi nói dóc là “tao lo học” tới cận thị!!! Ba-xạo quá nha mấy cha!!!

Trên đường Phan Đình Phùng, sáng sáng có xe lấy rác, có gắn cái chuông kêu len ken

Cuối hẻm 376 là đình Phú Thạnh, là chỗ con nít ưa tụ tập, thả diều, bắn đạn. Trước nhà số 380 Phan Đình Phùng Sàigòn 3 có “phong tên” nước công cộng. Ở đó có đông người “chuyên gánh nước mướn” được bà con các hẻm xung quanh “mướn” gánh nước mỗi sáng sớm, gánh từng đôi nước về nhà. Mấy bà (cô) gánh nước khoái đọc cuốn tiểu thuyết Rặng Trâm Bầu của Lê Xuyên!

Nước phong tên ở đây được chảy từ cái “sa-tô-đô” cũng nằm ở đường Phan Đình Phùng …và và nếu ai hà tiện, thì khi khát nước, cứ lại phong-tên khòm lưng mở vòi uống chùa. Bà con gọi là “uống nước khum” …

Cùng phe gánh nước mướn ở phong-tên, cũng có mấy người “ở đợ” nhưng được gọi nghe cho nhẹ hơn là “con sen”, sáng sớm cũng ra gánh nước về nhà cho chủ. Lúc đó và sau đó, Tân Nhạc với điệu Boléro thịnh hành trên khắp nẻo đường và có nhiều bản nhạc “hợp với tâm trạng – hoàn cảnh” nên Ca Sỹ thứ thiệt hát là rung động trái tim, nên được mấy bà chị gánh nước khoái, cứ nhè mấy bản đó hát mãi, tiếng ca “nhảo nhẹt” mà hát hoài hoài hỏng biết chán, bà con nghe riết phát nhàm.

Dần dà, cộng thêm mấy chị ma-ri-sến ”làm sở Mỹ”, rồi dân vũ nữ quán Bar, phòng trà …thuộc loại quá “date” cũng hát những bản điệu Boléro thịnh hành! Ma Ri Sến thất nghiệp cũng về gánh nước và cũng hát “bản tủ” như mấy chị kia. Cứ hát riết, phát ngấy, bà con gọi giọng hát đó là giọng rên ma ri sến!!!

Mấy chị sáng sớm vừa chờ nước vô thùng vừa hát tân nhạc véo von, chỉ có vài bài tủ, mấy chị cứ hát riết nghe phát mệt. (Đã vậy, nó còn “cộng hưởng” rồi “trùng tên” với cái vụ con gái rơi của ngài thượng sĩ – tổng thống da đen Bocasa bên châu phi, tên cô là Mary. Cô Mary gái lai đen nầy ở vùng Ngã Năm chuồng chó, ngài tông-tông Bocasa nhờ báo Trắng Đen tìm dùm, thế là cô Mary trở thành ngọc ngà châu báu…)

Và “miệng thế gian” đặt cho chết tên cho giọng ca mới nổi, giọng ma-ri-sến! Giọng marisến làm mệt lỗ tai thính giả! Hát “bản nhạc tủ” miết, làm cho nó lờn, tới độ, bà con nằm nhà hay đi ngang nghe thì biết là tiếng hát của con Sến nào!!!

Khi ở nhà bà chủ, tên là Con Sen, sau đó, nàng ra Vũng Tàu làm “ma ri sến” ở mấy cái Bar Thiên Thai, Ạc-ăng-Sen ở Bãi Trước. Vì vậy, giọng ca con sen hay con sến đều như nhau. 

Và bà con giận, khi nghe hoài mấy bản nhạc “tủ”, nên nói:

– Mấy con nhỏ đó là sến nướng nên ca hoài!!!

– Mấy con sến đó ca đi ca lại miết, nghe mệt thấy mẹ!!!

Ở đầu đường Phan Đình Phùng, có nhà số 3 đó là Đài Phát Thanh Sàigòn… Ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt có tòa đại sứ Miên, bên kia đường là cây xăng rất lâu đời và ở ngã tư nầy, năm 63 hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Cũng ở ngã tư nầy, có tiệm cơm tàu, ở đây có món “cơm thố” ngon bá chấy!!!

Cơm thố được hấp trong cái xửng tre có cả chục ngăn, thố là chén nhỏ rí, chừng 3 muỗng cơm, vì vậy, ăn xong, thố chất 1 chồng 15 cái cao như núi!!! Một số dân chơi cầu 3 cẳng, loại tứ hải giai huynh đệ tới ăn cơm thố ở đây, ý là, để khoe chồng thố cao nghệu để “lấy le” với thiên hạ đó nha bà con!!!

Đường Phang Đình Phùng cụng vô đường Lý Thái Tổ ngay tại ngã ba. Ở ngã ba nầy, có Phòng Trà Lệ Liễu và chủ Phòng Trà là chị Ba Liễu! Quán “Chị ba Liễu” là chổ gặp mặt mỗi chiều tối của rất nhiều Nhạc Sỹ – Ca Sỹ Sàigon trước khi đi hát Phòng Trà hay Hát Rạp hoặc quán Bar. Đây là “quán ruột” của Thanh Kim, Đệ Nhất Danh Cầm Hạ Uy Di…

Duy Khánh, Hùng Cường, Mai Lệ Huyền, Giao Linh … hát ở Phòng Trà Lệ Liễu cho khách (rất đông) thưởng thức. Thí dụ: Duy Khánh ca bài Ai Ra Xứ Huế thì chị ba Liễu “trả công” là 1 ngàn 8…

Có “chàng – lính” bận đồ trận bốn túi, đội Bê Rê đen, vì là em (đệ tử) của Thanh Kim, nên chàng ta xâm mình, bậm gan, đổ lỳ, dám thót lên sân khấu Lệ Liễu để hát bài Đường Xưa Lối Cũ và bài Tàu Đêm Năm Cũ (cũ mèm không hà). Chàng hát một cách khơi khơi, trong khi Nghệ Sỹ thứ thiệt ngồi lủ khủ ở đó. Chàng lính trận nầy, vì ỷ có Thanh Kim lo, nên hỏng lo trật nhịp, chàng ta cất tiếng véo von liên tiếp hai bài tân nhạc, thì Chị Ba Liễu coi bộ nghe được được, chị tức tốc tiến ra sân khấu, liền móc bóp, xỉa cho chàng 9 trăm đồng gọi là “lính góp vui”, rồi Chị Ba còn xúi (quá đã)..

– Đêm nào, nếu rảnh em tới hát nhen!!! Lính mà hát vậy, được đó!!!

– Dà dà … !!! (vô mánh)

Anh chàng lính nầy, về đơn vị móc xấp tiền, dứ dứ lên trời hét:

– Bữa nay, tao đãi anh em cả làng một chầu cơm tấm – cà phê – thuốc lá!!!

– Chắc còn dư bộn tiền đó ông thầy!!!

– Thì thì Băm 3 mí lỵ tôm khô củ kiệu cho sạch nhách luôn!!!

– Hoan hô thẩm quyền!!!

– Hé hé…cho xin chữ ký đi ông khò khò…

Phòng trà Lệ Liễu là cho Nghệ Sỹ Sàigòn tụ lại nói dóc, trước khi đi hát. Và cũng là chỗ “tụ tập” của những tay tổ đờn vọng cổ Văn Vỹ, Năm Cơ, Ngọc Sáu. Khi Ca Sỉ hát xong tới khua, trước khi về nhà, lại tụ nhau ở quán Cháo Đêm sau hàng cây dái ngựa cổ thụ ở đường Hồng Thập Tự, quán cháo cũng gần đường xe lửa từ bên đường Phan Đình Phùng chạy qua.

Cũng ở đường Phan Đình Phùng, ngay trong vòng chợ Vườn Chuối là nhà của Soạn Giả Nguyễn Phương, khi ấy anh Nguyễn Phương có đứa con gái nhỏ cỡ trên 10 tuổi và nó cùng với Ba Má đặt lời thoại cho vở cải lương!!!

Cô gái nhỏ cùng ba má ngồi 3 góc trong phòng, đóng làm 3 nhân vật nói chuyện, rồi đánh máy luôn, đó là ”làm thoại” để Nguyễn Phương “lấy câu trẻ con” soạn tuồng cải lương. Đó là cách Nguyễn Phương đang soạn tuồng và bị bắt tại trận hì hì… Nguyễn Phương là Đạo Diển cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga và mỗi tuồng cải lương được đánh máy sáu bảy bản để cho anh em “nhắc tuồng” đứng sau màn nhung hay cánh gà đọc câu cho Đào Kép đứng ở ngoài sân khấu nói hay ca!!! (cứ tưởng Đào Kép học thuộc lòng hết vở tuồng, hỏng có đâu nhen !!!)

 

Nguyễn Phương là trưởng ban kịch Tân Dân Nam, chuyên kịch trên đài truyền hình Sàigòn chiều thứ bảy hàng tuần, gồm có hề TV, TT, NĐT ..vv … và bà vợ của Nguyễn Phương là chị của phu nhân tướng CVV…

Bởi vậy, do đó, Nguyển Phương mới “tó” được cái giấy phép ngon lành là mượn tàu Hải Quân để đóng phim xi-la-ma!!! Đó là phim “Hải Vụ 709” định quay ở Rạch Giá. Nhưng vì tình hình chiến sự ác liệt ở đó, nên phim Hải Vụ 709 bị đình chỉ kéo dài và sau cùng phải bãi bỏ, nếu không, thì anh chàng Thủ Đức sẽ làm tài tử xi-nê mà lại đóng vai Trung Úy Hải-Quân nhảy xuồng đổ bộ rồi! Uổng thiệt nhen…

Cũng thời gian đó, ban Tân Dân Nam đang “dợt tuồng” kịch truyền hình, đó là vở “Ai Là Thủ Phạm” tại nhà anh Nguyễn Phương. Lúc đó chàng (vì là lính) được Nguyễn Phương giao đóng vai Cảnh Sát Trưởng. Úi chà chà Nguyễn Phương biểu chàng ta phải “tập” trước cách còng tay thủ phạm ăn trộm kim cương, em NĐT đóng vai thủ phạm. Còng tay mà phải “tập” ý là để chàng còng mà hỏng đau tay NĐT!!!

Tới khi lên sân quay 2 tại đài Truyền Hình Sàigòn ngài Cảnh Sát Trưởng, bước vô, làm mặt ngầu, liền móc còng (hân hạnh) còng tay NĐT ngay tức khắc nhen!!! Bàn tay NĐT đẹp như chính NĐT, chàng lính cầm 2 tay người đẹp, tra vô còng số 8 mà chàng ta thấy quá đau lòng!!! Hì hì …

Trên truyền hình, anh chàng lính, chỉ lộ diện trên màn ảnh nhỏ của Đài Truyền Hình Sàigòn chỉ được có 30 giây cuối cùng của vở kịch thôi hà!

Soạn Giả Nguyễn Phương chuyên môn hút Thuốc Gò khi soạn tuồng và điếu nào cũng bự tổ nái, đốt cháy liên tục, khói bay mờ mịt như đống un buổi chiều tà!

Và trên bàn viết thường có rờ vẹt ba bốn khúc Thuốc Gò loại “nặng” đô, đó là phòng khi, nửa đêm soạn tuồng mà hết thuốc hút!

Từ ngã tư Phang Đình Phùng – Lê Văn Duyệt chạy lên tí nữa là Ngã 6 Sàigon, ngay “bùng binh” ngã 6 nầy, có xe lửa chạy qua và là chổ bắt đầu của đường Yên Đổ, ở đây, trên đầu đường Yên Đổ, có khu Kiều Lộ (sửa, tráng dầu đường hư). Nằm chung trong khuôn viên khu Kiều Lộ là Sở Phú De đó đa!!!

Phú De là chổ nhốt chó chạy rong, bị “xe bắt chó” bắt được trong đường phố! Ai mất chó, cứ vô Phú De tìm là y như rằng nó ngự ở đó và bỏ tiền chuộc chó về!

Bởi đó, hồi xưa, DA trong báo CO có viết bài Phú De Giao Chỉ, đọc nghe nhức xương

Trong khu Kiều Lộ nầy có cái cưa tay, bự chà bá, dùng xẻ gổ lóng. Ở đây có Kỹ Sư Bê và Hồ Lợi và Hồ Lợi là dân chơi tài tử chánh cống bà lang trọc.

Trong văn phòng khu Kiều Lộ của Hồ Lợi có tùm lum đờn cò, gáo, xến, ghi ta thùng, ghi ta phím lỏm treo tá lả trên tường, để nhân viên nào quởn mà khoái đờn vọng cổ thì cứ vô tập vợt thả giàn và … Hề Minh và danh cầm Thanh Kim, Tạo Minh Đời… vv… xuất thân từ đây! Hề Minh là danh hề diễu có tiếng trên bầu trời Cải lương một thời.

Tạo Minh Đời cười được 18 giọng riêng biệt và còn có khiếu một mình vừa nói giọng ông nội, giọng cháu nội trai, gái, giọng con gái rất hay, giống y giọng như trong “gia đình bác tám” nhất là giọng chó mèo cắn lộn là nghe hay hết phản luôn! Nhứt là mở đầu câu …a…bê…cê… ca… nháy giọng xe lửa đề pa của bản Chuyến Xe Lửa Mồng Năm của Trần văn Trạch y chang Trần văn Trạch! Nhưng “hỏng có thời” nên anh Đời không nổi tiếng như anh Minh và anh Kim.

Thanh Kim là Đệ Nhất Hạ Uy Di Cầm chuyên đờn 6 vọng cổ nhưng né ló mặt trước bàn dân thiên hạ truyền hình, Thanh Kim chỉ đờn cho gánh hát và chơi tân nhạc cho quán Bar và Phòng Trà và học trò Thanh Kim là Thanh Kim Huệ …

– Anh Kim, sao anh chỉ “thâu dỉa” mà hỏng thấy anh lên sân khấu hay truyền hình?

– Tao xí-giai thấy bà miệng rộng tàn hoạt, cười hô hố, tướng tá như đấu bò!

– Thì có sao đâu…

– Tao trốn để khán thính giả tưởng tao đẹp trai đó mầy hỏi hoài!!!

– Ờ ờ … hehehe….

Năm 1965 đường Xa Lộ Saigon – Biên Hòa làm xong và dọc bên đường xa lộ đang đào để xuống ống cống vuông vuông lọt lòng trên 2 mét của Sàigòn Thủy Cục …Lúc đó, chạy xe gắn máy ở Xa Lộ thiệt là êm, êm như mơ. Do đó, mấy tay anh chị mới dám đi Gobel, Sachs, Rummi… chui lòn qua bụng xe be trên có 3 lóng gỗ dài thòn bự tổ kền, đó là chọt lét tử thần!!!

Cũng thời xa xưa ấy, khi chở “người đẹp” ngồi đằng sau Xe Gắn Máy thì hai chân người đẹp Để Về 1 Bên, không Cô nào dám gác cẳng 2 bên!

Nếu xe chở là chiếc Vespa Spring thì thấy “nàng” ngồi sau ôm eo ếch bác tài thì thì ngó, thấy đẹp như mơ luôn!!!

Còn nói gì “mấy nhỏ áo dài trắng” đi Vélo Solex thì dòm hết phản nghen! Gỗ rừng đem về đổ đống ở chỗ ngã ba xa lộ đi Vũng Tàu, nên ngã ba nầy có tên Ngã Ba Bến Gỗ …

Từ ngã ba Bến Gỗ tới một xí là Căn Cứ Long Bình của Quân đội Mỹ …

Chỉ mỗi con đường Phan Đình Phùng mà có quá xá chuyện xưa tích cũ …

Untouchableman Nguyen