Ký ức về những "ngôi trường nữ sinh" của Sài Gòn xưa: “tóc dài, tà áo vờn bay…”_ sg

   

Thời chúng tôi có rất nhiều thiên đàng mơ mộng: “Em theo trường về… tóc dài tà áo vờn bay”.

“Thiên đàng” của những thằng tóc hớt ngắn, quần xanh áo trắng là nơi các nữ thiên thần áo dài trắng túa ra như lũ chim bồ câu sau giờ tan học của Trường Gia Long. Thằng học sinh Petrus Ký nào chẳng mơ được “mần quen” cùng một em áo dài.

 

Phía bên hông cổng Trường Gia Long, trước cổng chùa Xá Lợi, “cạnh tranh” với những chiếc xe bán bò bía, gỏi đu đủ là những chàng áo trắng Petrus Ký đang gửi hồn qua cánh cổng thâm nghiêm có từ năm 1915 với cái tên thơ mộng “Trường nữ sinh Áo Tím”.

Nghe kể lại, trường được thành lập do đề nghị của nghị viên Hội đồng quản hạt Nam kỳ Lê Văn Trung cùng vợ của tổng đốc Phương và một số trí thức người Việt. Khóa đầu tiên (1915) trường tuyển 45 nữ sinh với đồng phục là áo dài tím. Những đời hiệu trưởng đầu toàn là người Pháp.

 

Năm 1949, nữ sinh Trường Áo Tím cùng nam sinh Trường Petrus Ký tổ chức bãi khóa kỷ niệm ngày Nam kỳ khởi nghĩa nên chính quyền đã đóng cửa trường. Năm 1950, sau một cuộc đấu tranh, biểu tình dài ngày với sự ủng hộ của phong trào học sinh lúc ấy, trường được mở cửa lại.

 

Đánh dấu sự kiện quan trọng này, sau bảy đời hiệu trưởng trường là người Pháp, lần đầu tiên trường có nữ hiệu trưởng là người Việt: bà Nguyễn Thị Châu. Năm 1953, Trường Áo Tím đổi tên thành Trường nữ trung học Gia Long. Áo dài tím được thay bằng áo dài trắng với phù hiệu là bông mai vàng. Chương trình giáo dục bằng tiếng Pháp được chuyển sang quốc ngữ.

 

Biết đâu chính “mối tình” gắn kết tranh đấu của Áo Tím và sau đó Gia Long trong những năm về sau đã gắn kết “trai Petrus Ký, gái Gia Long” trong những mối tình thật và ảo của lứa tuổi học trò. Hãy mơ đi những chàng trai Petrus về “thiên đường” tuổi nhỏ dại của mình!

 

 

Khoảng giữa thập niên 1970, bài hát Con Đường Tình Ta Đi của nhạc sĩ Phạm Duy làm xáo động những trái tim mới lớn với những lời ca mộng mị:

“…Lá đổ để đưa đường
Hỡi người tình Trưng Vương”.

Tôi không biết đó là lời cảm thán của chàng trai nào. Nhưng có lẽ thích hợp hơn xin hãy cho chàng trai ấy là người của Trường Chu Văn An. Như một mặc định, “trai Petrus Ký, gái Gia Long” thì nữ sinh Trường Trưng Vương lại là “của riêng” của những học sinh Chu Văn An mặc dầu hai trường cách trở về mặt địa lý một quãng đường khá dài.

 

Trường chàng thì ở tận nhà thờ ngã sáu, đường Minh Mạng, còn “thiên đường” của nàng thì ở đối diện Sở thú – Thảo cầm viên, số 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tội nghiệp cho nam sinh Trường Võ Trường Toản cùng ăn chung xe gỏi bò với các nàng nhưng chỉ đứng xa ngắm những chàng trường Chu đón nàng mà hát câu cảm thán:

“Trưng Vương hôm nay mưa vẫn giăng đầy trời
Bóng người thì mịt mùng
Từng hàng me rung rung”

-(Lời bài hát Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu – Nam Lộc)

 

Có lẽ “nhân duyên tiền định” của hai trường này đều xuất phát từ “người phương Bắc”. Học sinh Chu Văn An đa số là người miền Bắc và Trường Trưng Vương cũng vậy. Điều này cũng dễ hiểu vì Trường Trưng Vương là ngôi trường có gốc gác từ Hà Nội.

 

Theo “gia phả”, trường được thành lập từ năm 1925, trên con đường Đồng Khánh, phía nam hồ Gươm mang tên Trường Nữ trung học (College de Jeunes Filles), ngôi trường nữ trung học đầu tiên và duy nhất của nữ giới miền Bắc. Vì nằm ở đường Đồng Khánh nên còn được gọi là Trường Đồng Khánh. Đến năm 1948 trường được chuyển đến đường Hai Bà Trưng (Hà Nội) và đổi tên là Trường Trưng Vương. Năm 1954, một số giáo sư và học sinh di cư vào Sài Gòn và thành lập lại Trường Trưng Vương.

 

Năm học đầu tiên phải học nhờ cơ sở của Trường nữ trung học Gia Long. Mãi cho đến năm 1957, Trường Trưng Vương dời về số 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm (nguyên trước đó là Quân y viện Coste của quân đội Pháp).

Bởi vậy ta không lấy làm lạ khi đây là một trong những ngôi trường mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp và được bình chọn là ngôi trường có kiến trúc đẹp nhất Sài Gòn. Nhờ là học sinh Trưng Vương nên mỗi lần làm lễ kỷ niệm Hai Bà, nữ sinh Trưng Vương được ưu tiên tuyển chọn làm Trưng Trắc, Trưng Nhị cưỡi voi trong lễ diễu hành.

 

Có lần đi xem lễ diễu hành trên đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn), khi hai nàng học trò Trưng Vương ngồi trên voi “phất ngọn cờ vàng” đi ngang, tôi thấy thằng bạn có vẻ phấn khích. Tôi hỏi: “Mầy thích “ghệ” áo vàng hả?”. Nó trả lời buồn xo: “Không, tao thích con voi. Bây giờ tao ước gì mình được làm con voi”.

Rồi nó cảm thán nhại theo thơ của Nguyễn Công Trứ:

 

“Kiếp sau xin chớ làm người
làm voi nàng cưỡi, cái vòi đung đưa”

Sau này tôi mới biết cô gái đóng vai Trưng Trắc – áo vàng đó đã cho chàng leo cây,

“Trưng Vương vắng xa anh dần.
Mùa thu đã qua một lần.
Còn đây bâng khuâng” (Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu)

 

Ôi, tội nghiệp một thời mê gái!

 

“Áo dài trắng em mang mà anh nhớ…” đâu chỉ ở Sài Gòn. Ở một vùng trời tỉnh Gia Định, những chiếc tà áo của nữ sinh Trường nữ trung học Lê Văn Duyệt vờn bay thật nhẹ nhàng, thanh khiết. Tôi khoái chữ “vờn bay” của nhà thơ Phạm Thiên Thư hơn chữ “tung bay” của nhạc sĩ Từ Huy khi nói về chiếc áo dài của nữ sinh trung học. Chữ “tung” có vẻ gì đó mạnh bạo quá khi nói về chiếc áo dài vốn dĩ đằm thắm.

Thật thiệt thòi khi ngôi trường này không được nhắc đến trong âm nhạc hoặc thơ ca, có lẽ những chàng thi sĩ, nhạc sĩ chỉ thích tụ tập ở Sài Gòn mà bỏ quên một ngôi trường nữ làm đẹp và trắng khung trời Gia Định.

 

Từ Sài Gòn, xuôi theo đường Đinh Tiên Hoàng, quẹo tay mặt, qua cầu Bông một đoạn, nhìn sang tay trái là một ngôi trường kiến trúc kiểu hiện đại hơn trường Gia Long và Trưng Vương. Chuyện cũng dễ hiểu vì năm 1960, tòa tỉnh trưởng Gia Định đã dùng một khu đất trước kia là ao rau muống để xây dựng trường trên đường Lê Văn, gần Lăng Ông thuộc xã Bình Hòa (tỉnh Gia Định), nay thuộc quận Gò Vấp. Trước kia trường mang tên Trương Tấn Bửu, thành lập năm 1957, có hai lớp đệ thất một nam và một nữ, học nhờ tại trường nam tỉnh lỵ (nay là Trường THCS Lê Văn Tám).
 
 
Năm 1959, lớp nam sinh chuyển về Trường Hồ Ngọc Cẩn (nay là Trường Nguyễn Đình Chiểu). Khi xây dựng xong, trường được đặt tên là Trường nữ trung học Lê Văn Duyệt và chương trình học bắt đầu từ lớp đệ thất đến lớp đệ nhị. Học sinh nào đậu tú tài I sẽ chuyển sang học Trường Trưng Vương. Khoảng năm 1965-1966 trường mới có lớp đệ nhất. So với hai trường nữ đàn chị thì nữ sinh Lê Văn Duyệt nào có kém cạnh chi, cũng làm những chàng trai thốt lên: “Ơi em, bắt hồn tôi về đâu?”…

Có những chàng trai lãng mạn thì cũng có những chàng trai rất thực tế. Hiệp mập, thằng bạn của tôi, phát biểu: “Tao không lấy vợ là “ghệ” Gia Long, yểu điệu thục nữ quá cỡ, tao chỉ muốn vợ tao là nữ sinh Trường Sương Nguyệt Anh”. Tôi sửng sốt vì Trường nữ trung học tổng hợp Sương Nguyệt Anh mới vừa thành lập năm 1971.

Sau Mậu Thân 1968, một góc đường Minh Mạng, Sư Vạn Hạnh gần chùa Ấn Quang bị cháy rụi. Vài năm sau đó, chung cư Minh Mạng ra đời, phía bắc của chung cư, ngay góc đường Hòa Hảo, Minh Mạng (nay là đường Nguyễn Chí Thanh), Trường nữ trung học tổng hợp Sương Nguyệt Anh cùng được xây dựng.

 

Không phải thằng Hiệp mập không có lý của nó, vì nữ sinh trường này được học một chương trình giáo dục hoàn toàn mới. Đây là ngôi trường nữ đầu tiên tại VN với lối giáo dục theo phương pháp tổng hợp theo mô hình của các nước tiên tiến thời ấy. Song song với việc giảng dạy như các trường công lập khác, trường còn dạy thêm kinh tế gia đình (tức nữ công gia chánh, may vá nấu ăn), môn doanh thương (tức kế toán đánh máy), âm nhạc (đàn tranh, piano), hội họa, nghệ thuật cắm hoa, và cả môn võ aikido, vovinam.

 

Ngay từ năm lớp 6, nữ sinh Trường Sương Nguyệt Anh đã được học cả hai sinh ngữ Anh và Pháp khi mà học sinh công lập các trường khác chỉ được học một sinh ngữ. Trường được trang bị một phòng thính thị máy móc rất tối tân để luyện giọng chính xác với giáo sư ngoại quốc, một phòng thí nghiệm đầy đủ dụng cụ.

Với lối giáo dục mới mẻ này, sau bảy năm trung học, nữ sinh trường có cơ hội thành một thiếu nữ VN văn võ song toàn. Còn theo thằng bạn tôi, giúp ích xã hội được hay không thì chưa biết, nhưng chắc chắn là một bà xã biết dạy chồng bằng võ vovinam và tài nội trợ.

 

Sài Gòn, cùng với những trường nữ trung học công lập Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt, Sương Nguyệt Anh cũng còn trắng trời áo dài với những trường nữ trung học tư khác như Thánh Linh, Hồng Đức… đã nhốt hồn những chàng trai mặt bắt đầu nổi mụn trứng cá và vỡ giọng với những thổn thức “áo ai trắng quá nhìn không ra”…

Những cô nữ sinh với những ngôi trường ấy đã là một phần hồn của chúng tôi, một phần hồn của Sài Gòn đã đào tạo những nữ lưu anh kiệt về các mặt chính trị, văn hóa, khoa học, và tiếp tục những nữ lưu anh kiệt lại là những anh kiệt nữ lưu khác.

Cảm ơn Sài Gòn đã có những ngôi trường ấy cho tôi nhớ. Cảm ơn Sài Gòn có những ngôi trường thiên đàng tuổi nhỏ dành riêng cho chàng trai mơ về những mái tóc, những chiếc áo dài trắng vờn bay… vờn bay!

Theo Lê Văn Nghĩa (Báo Tuổi Trẻ)